18 thg 8, 2010

THƯ CHO MẸ MÙA VU LAN ...




Người bạn thân của tôi, mỗi khi tâm sự thường "ghen tỵ" rằng: có nói thế nào đi chăng nữa, thì mẹ tôi cũng không bao giờ khổ bằng mẹ nó đâu. Tôi không thích sự so sánh này. Vì hình như, khi so sánh nỗi khổ, bạn tôi đang muốn so sánh cả về sự tuyệt vời. Cái phẩm chất mà người đời nhận định và ban tặng, được đo đếm bằng những nỗ lực vượt qua bi kịch của bản thân. Tôi cũng muốn mẹ tôi là một người mẹ tuyệt vời, tuyệt vời hơn những người mẹ khác. Nhưng tôi im lặng và không muốn chứng minh mẹ tôi còn khổ hơn. Tôi sẵn lòng chấp nhận mẹ tôi bớt tuyệt vời đi, để bớt khổ hơn một chút. Dù hạnh phúc hay khổ đau, người mẹ nào vốn dĩ cũng đã là tuyệt vời nhất trong lòng những đứa con của mình rồi.

Khi tôi 17, tôi bắt đầu được nghe mọi người nói rằng mẹ tôi là một người tuyệt vời. Chao ôi, 17 tuổi, cái tuổi ngang ngạnh và hay lý lẽ. Tôi đã không muốn chấp nhận hai từ “tuyệt vời”, bởi nó diễn đạt không chuẩn xác về những gì mà tôi có thể cảm nhận được từ mẹ.

19 tuổi, đầu óc của tôi tràn ngập những câu văn trong sách vở. Tuyệt vời nghĩa là hoàn hảo, không tì vết. Ở đó, người mẹ là hiện thân của sự dịu dàng, của những đức tính tốt đẹp nhất. Ở đó, người mẹ thấu hiểu, tinh tế và có khả năng chia sẻ cảm xúc, ý nghĩ với những cô con gái. Ở đó, mẹ là một mẫu hình lý tưởng để những đứa con vươn tới.

19 tuổi, tôi nghĩ về mẹ, là một người phụ nữ khốn khổ. Mẹ vất vả, lam lũ. Mẹ là con người của đời sống với những lo toan thường nhật, những xúc cảm thường nhật, những thói quen thường nhật.

Trong nỗi hổ thẹn của mình, tôi buộc phải thú nhận rằng, phải càng lớn lên tôi mới càng cảm thấy yêu và thương mẹ hơn. Tôi quý trọng cuộc sống của tôi vì cuộc sống ấy do mẹ ban tặng. Tôi hiểu được sự tuyệt vời của mẹ, tình thương vô hạn, sự hy sinh không điều kiện mà mẹ dành cho những đứa con.

Tôi hiểu vì sao mẹ tôi gia trưởng và độc đoán, vì gánh nặng của vai trò mà mẹ tôi đảm nhiệm. Tôi hiểu vì sao mẹ tôi hay kêu ca, than thở, vì mẹ tôi quá mệt mỏi với lo toan để có từng đồng từng hào nuôi chúng tôi ăn học. Tôi hiểu vì sao mẹ tôi bướng bỉnh đến cố chấp. Nếu mẹ là người phụ nữ dịu dàng, nhưng yếu đuối mẹ tôi đã không thể chèo lái đưa gia đình vượt qua những sóng gió. Tôi hiểu vì sao mẹ nấu ăn không ngon. Vì lúc nào mẹ cũng muốn mọi thứ thật nhanh để còn làm được nhiều việc khác. Tôi hiểu vì sao mẹ thích ăn cá kho mặn hơn là xào nấu cầu kỳ. Vì từ bé mẹ tôi đã ăn như vậy, khẩu vị của mẹ tôi đã quen với sự đơn giản, nghèo khó mất rồi.

Tôi hiểu rằng, nếu bớt đi những gánh nặng gia đình, những rủi ro không đáng có và những lo toan về vật chất, mẹ tôi cũng dịu dàng, cũng tinh tế, và tuyệt vời, trong đối nhân xử thế, trong cái tâm tốt lành. Bởi đó là tất cả những phần ẩn chứa trong con người mẹ, điều làm nên hai chữ “tuyệt vời” trong đánh giá của người khác về mẹ.

Nhưng tôi cũng cảm nhận được rõ rệt là mẹ đang già đi. Khi mẹ chiều theo những quyết định của tôi, tôi xót xa nhận thấy mẹ tôi đã già. Nếu mẹ còn trẻ, dù ý kiến của tôi có đúng, mẹ cũng không dễ gì chấp nhận như vậy. Người ta nói rằng, đừng đợi để làm gì đó. Tôi không muốn đợi đến lúc nhiều tiền để có thể làm cho mẹ tôi bớt khổ. Nhiều khi, vật chất cũng chẳng thể thay thế được những nỗi đau đớn về mặt tinh thần. Vì thế, mỗi ngày, tôi càng cuống quýt hơn để mang niềm vui đến cho mẹ. Mẹ ơi, con được học bổng, mẹ ơi, con xin được chỗ làm rồi, mẹ ơi, con được đi xa, mẹ ơi, mọi người ở cơ quan quý và tốt với con lắm… Đó là những điều sẽ làm mẹ tôi vui, vì niềm vui đó, mẹ có thể vượt qua sự vất vả khác một cách đơn giản hơn chăng?

Mới ngày hôm qua thôi, anh bạn của tôi ở TP. Tình cờ tôi và anh gặp nhau trên mạng gửi mail ra, thảng thốt viết rằng: “Ba anh vừa mất. Anh phải làm gì cho má anh đây. Anh sợ rằng, khi má mất đi rồi, anh sẽ không kịp làm cho má những điều mà anh đã chưa kịp làm cho ba. Hãy nói cho anh biết cách phải yêu thương má như thế nào, anh thấy làm gì cũng vẫn còn thiếu, không thể nào đủ được...”.

Tôi nhớ câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân: “Con không đợi đến ngày kia mình mất mẹ mới giật mình khóc lóc. Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ…”. Tôi cũng không muốn đợi, khi mẹ tôi đã đi về một thế giới khác tôi mới gài lên áo mình một nụ hồng bạch và ân hận vì những điều chưa kịp làm.

Tôi gài lên áo mình nụ hồng đỏ, trong nỗi hạnh phúc, thấy cả sự phấp phỏng lo âu. Mẹ như ngọn đèn trước gió. Một bông hồng cài áo…để lòng vui sướng hơn. Nhưng sao vẫn lo âu, sợ ngày mai, mình vẫn còn nhiều điều chưa kịp làm...