18 thg 8, 2010

THƯ CHO MẸ MÙA VU LAN ...




Người bạn thân của tôi, mỗi khi tâm sự thường "ghen tỵ" rằng: có nói thế nào đi chăng nữa, thì mẹ tôi cũng không bao giờ khổ bằng mẹ nó đâu. Tôi không thích sự so sánh này. Vì hình như, khi so sánh nỗi khổ, bạn tôi đang muốn so sánh cả về sự tuyệt vời. Cái phẩm chất mà người đời nhận định và ban tặng, được đo đếm bằng những nỗ lực vượt qua bi kịch của bản thân. Tôi cũng muốn mẹ tôi là một người mẹ tuyệt vời, tuyệt vời hơn những người mẹ khác. Nhưng tôi im lặng và không muốn chứng minh mẹ tôi còn khổ hơn. Tôi sẵn lòng chấp nhận mẹ tôi bớt tuyệt vời đi, để bớt khổ hơn một chút. Dù hạnh phúc hay khổ đau, người mẹ nào vốn dĩ cũng đã là tuyệt vời nhất trong lòng những đứa con của mình rồi.

Khi tôi 17, tôi bắt đầu được nghe mọi người nói rằng mẹ tôi là một người tuyệt vời. Chao ôi, 17 tuổi, cái tuổi ngang ngạnh và hay lý lẽ. Tôi đã không muốn chấp nhận hai từ “tuyệt vời”, bởi nó diễn đạt không chuẩn xác về những gì mà tôi có thể cảm nhận được từ mẹ.

19 tuổi, đầu óc của tôi tràn ngập những câu văn trong sách vở. Tuyệt vời nghĩa là hoàn hảo, không tì vết. Ở đó, người mẹ là hiện thân của sự dịu dàng, của những đức tính tốt đẹp nhất. Ở đó, người mẹ thấu hiểu, tinh tế và có khả năng chia sẻ cảm xúc, ý nghĩ với những cô con gái. Ở đó, mẹ là một mẫu hình lý tưởng để những đứa con vươn tới.

19 tuổi, tôi nghĩ về mẹ, là một người phụ nữ khốn khổ. Mẹ vất vả, lam lũ. Mẹ là con người của đời sống với những lo toan thường nhật, những xúc cảm thường nhật, những thói quen thường nhật.

Trong nỗi hổ thẹn của mình, tôi buộc phải thú nhận rằng, phải càng lớn lên tôi mới càng cảm thấy yêu và thương mẹ hơn. Tôi quý trọng cuộc sống của tôi vì cuộc sống ấy do mẹ ban tặng. Tôi hiểu được sự tuyệt vời của mẹ, tình thương vô hạn, sự hy sinh không điều kiện mà mẹ dành cho những đứa con.

Tôi hiểu vì sao mẹ tôi gia trưởng và độc đoán, vì gánh nặng của vai trò mà mẹ tôi đảm nhiệm. Tôi hiểu vì sao mẹ tôi hay kêu ca, than thở, vì mẹ tôi quá mệt mỏi với lo toan để có từng đồng từng hào nuôi chúng tôi ăn học. Tôi hiểu vì sao mẹ tôi bướng bỉnh đến cố chấp. Nếu mẹ là người phụ nữ dịu dàng, nhưng yếu đuối mẹ tôi đã không thể chèo lái đưa gia đình vượt qua những sóng gió. Tôi hiểu vì sao mẹ nấu ăn không ngon. Vì lúc nào mẹ cũng muốn mọi thứ thật nhanh để còn làm được nhiều việc khác. Tôi hiểu vì sao mẹ thích ăn cá kho mặn hơn là xào nấu cầu kỳ. Vì từ bé mẹ tôi đã ăn như vậy, khẩu vị của mẹ tôi đã quen với sự đơn giản, nghèo khó mất rồi.

Tôi hiểu rằng, nếu bớt đi những gánh nặng gia đình, những rủi ro không đáng có và những lo toan về vật chất, mẹ tôi cũng dịu dàng, cũng tinh tế, và tuyệt vời, trong đối nhân xử thế, trong cái tâm tốt lành. Bởi đó là tất cả những phần ẩn chứa trong con người mẹ, điều làm nên hai chữ “tuyệt vời” trong đánh giá của người khác về mẹ.

Nhưng tôi cũng cảm nhận được rõ rệt là mẹ đang già đi. Khi mẹ chiều theo những quyết định của tôi, tôi xót xa nhận thấy mẹ tôi đã già. Nếu mẹ còn trẻ, dù ý kiến của tôi có đúng, mẹ cũng không dễ gì chấp nhận như vậy. Người ta nói rằng, đừng đợi để làm gì đó. Tôi không muốn đợi đến lúc nhiều tiền để có thể làm cho mẹ tôi bớt khổ. Nhiều khi, vật chất cũng chẳng thể thay thế được những nỗi đau đớn về mặt tinh thần. Vì thế, mỗi ngày, tôi càng cuống quýt hơn để mang niềm vui đến cho mẹ. Mẹ ơi, con được học bổng, mẹ ơi, con xin được chỗ làm rồi, mẹ ơi, con được đi xa, mẹ ơi, mọi người ở cơ quan quý và tốt với con lắm… Đó là những điều sẽ làm mẹ tôi vui, vì niềm vui đó, mẹ có thể vượt qua sự vất vả khác một cách đơn giản hơn chăng?

Mới ngày hôm qua thôi, anh bạn của tôi ở TP. Tình cờ tôi và anh gặp nhau trên mạng gửi mail ra, thảng thốt viết rằng: “Ba anh vừa mất. Anh phải làm gì cho má anh đây. Anh sợ rằng, khi má mất đi rồi, anh sẽ không kịp làm cho má những điều mà anh đã chưa kịp làm cho ba. Hãy nói cho anh biết cách phải yêu thương má như thế nào, anh thấy làm gì cũng vẫn còn thiếu, không thể nào đủ được...”.

Tôi nhớ câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân: “Con không đợi đến ngày kia mình mất mẹ mới giật mình khóc lóc. Những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ…”. Tôi cũng không muốn đợi, khi mẹ tôi đã đi về một thế giới khác tôi mới gài lên áo mình một nụ hồng bạch và ân hận vì những điều chưa kịp làm.

Tôi gài lên áo mình nụ hồng đỏ, trong nỗi hạnh phúc, thấy cả sự phấp phỏng lo âu. Mẹ như ngọn đèn trước gió. Một bông hồng cài áo…để lòng vui sướng hơn. Nhưng sao vẫn lo âu, sợ ngày mai, mình vẫn còn nhiều điều chưa kịp làm...



15 thg 8, 2010

Người khách tình cờ

Tôi biết đến quán cà phê này do một người bạn giới thiệu. Đó là một nơi khá yên tĩnh, với những bản nhạc nhẹ nhàng và êm ái, nơi tôi cảm thấy yên bình cũng như thanh thản trong tâm hồn vốn mệt mỏi với công việc từ lúc bình minh chào ngày mới.

Tôi bắt đầu để ý đến cô gái trẻ ngồi ở bàn đối diện khi cô ta đi một mình vào quán nhưng anh nhân viên lại đem ra hai ly nước. Một ly cà phê sữa cho cô và một ly đen đá ít đường cho người- nào- đấy sẽ ngồi ở chiếc ghế đối diện. Có lẽ, cô ấy đang chờ một người bạn nào đó, là bạn trai chăng? Phải rồi, vì hôm nay là cuối tuần mà! Các cặp tình nhân trẻ thì thường hay hẹn hò ở các quán cà phê lãng mạn vào dịp cuối tuần. Bỗng nhiên tôi phì cười, không hiểu sao tôi lại bắt đầu có sở thích để ý chuyện người khác. Phải chăng vì đôi mắt buồn trên gương mặt lạnh lùng của cô gái trẻ có một sức hút mãnh liệt với tôi?


Anh nhân viên trong quán tiến đến gần chỗ ngồi của cô , mỉm cười nhìn cô rồi hỏi:

- Tuần này của hai anh chị thế nào?

+ Vẫn thế anh ạ! Hạnh phúc và bình yên.

Cô gái trẻ vẫn chắp tay vào nhau, mỉm cười rồi nhẹ nhàng đáp trả. Vậy ra, tôi đã đoán đúng. Cô ấy đang chờ người yêu. Và hai người họ là khách quen của quán cà phê này

Một tiếng đồng hồ trôi qua, tôi nóng lòng muốn xem mặt anh chàng người yêu tốt số ấy là ai, nhưng vẫn không thấy anh ta đến. Đàn ông con trai mà lại để người yêu mình chờ đợi mỏi mòn như thế, thật không lịch sự chút nào.

Cô gái trẻ từ nãy giờ vẫn chăm chú nhìn vào màn hình di động trên tay, lâu lâu lại khẽ cười, nhưng đôi mắt vẫn đượm một chút gì đấy buồn và day dứt. Thỉnh thoảng cô liếc nhìn ly cà phê đen như màu mắt đang từ từ nhạt màu đi khi đá dần tan ra. Thời gian làm nhạt phai mọi thứ...?


Rồi tôi bỡ ngỡ khi cô gái trẻ gọi tính tiền và bước ra cửa, anh nhân viên buông một câu chào khó hiểu :


- Cám ơn hai anh chị và chúc một buổi tối cuối tuần hạnh phúc. Hẹn gặp cả hai vào tối thứ bảy tuần sau..


Tôi vẫn tròn xoe đôi mắt và cố gắng hiểu những gì đang diễn ra. Cô gái bỗng quay lại nhìn vào mắt tôi rồi mỉm cười. Có lẽ cô ấy đã biết có một kẻ tò mò đã trộm nhìn mình từ nãy đến giờ.

12 thg 8, 2010

MA LỰC CỦA ĐỒNG TIỀN



Đồng tiền có những sức mạnh phi thường, nó luôn bắt con người phải đắn đo suy nghĩ, buồn phiền và xót xa... Bất cứ ai cũng rất dễ dàng trở thành những kẻ nô lệ xấu số, làm việc suốt cuộc đời vì đồng tiền.

Tôi không bao giờ hiểu được những ai luôn khẳng định rằng: "Tôi không quan tâm đến tiền bạc", sau đó họ lại vội vàng đi làm hoặc trở lại trường với mục đích trao dồi thêm những kiến thức cần thiết để mong tìm được công việc tốt hơn. Nhiều người bán rẻ cuộc sống của mình cho ngân hàng bằng cách vay lãi.

Dù có muốn hay không, đồng tiền vẫn là những yếu tố cơ bản trong cuộc sống hiện đại. Nó sẽ không quan trọng như vậy, nếu nhân loại vẫn ở kỷ nguyên "khai hoang mở đất”, khi mà công việc đồng áng có thể đảm bảo được sự sinh tồn không cần đến đồng tiền. Khi ấy đất đai có thể cho con người nước, rau quả, trứng, sữa, thịt và những vật liệu khác. Trong thời buổi hiện nay, đến nước dùng hàng ngày cũng phải trả tiền.

"Đồng tiền rất quan trọng đối với mỗi người". Hãy bắt đầu nghiên cứu về đề tài này, bởi lẽ khi chúng ta học về một lĩnh vực nào đó, kiến thức, thông tin càng được tiếp thu bao nhiêu thì càng dễ điều khiển lĩnh vực đó bấy nhiêu.

Thời buổi hiện nay đồng tiền sở hữu một sức mạnh phi thường. Chức năng hoạt động của nó có tác động tới mọi khía cạnh của cuộc sống. Đồng tiền khống chế thức ăn, đồ dùng hàng ngày, nơi ở, quần áo, những đợt nghỉ hè, cách chăm sóc sức khỏe và hệ thống giáo dục... Nhiều khi đồng tiền cũng là nguyên nhân để đôi trai gái kết duyên vợ chồng, nó cũng quyết định luôn cả tương lai của mỗi người. Ngày càng có nhiều các bác sĩ phàn nàn rằng, sự căng thẳng do đồng tiền mang lại là một trong những nguyên nhân chính, tác hại nhất phá hủy sức khỏe của con người. Một trong những bác sĩ đã gọi căn bệnh này là "Sự ung thư ví"!

Chúng ta đừng nên sử dụng sức mạnh của đồng tiền chống lại bản thân, đừng tự lừa dối mình rằng đồng tiền không thể điều khiển được bản năng sống của mỗi người. Hãy học và nghiên cứu về đồng tiền để hiểu được sức mạnh và dùng nó cho những gì có lợi.

Để bắt đầu quá trình đào tạo cá nhân, trước tiên bạn phải biết nhìn nhận giá trị cũng như ý nghĩa thực sự của đồng tiền. Chấp nhận thực tại của vấn đề hay yếu tố nào đó là một trong những bước đầu trên con đường thiết lập sự tự do tài chính cho bản thân. Cũng sẽ là một sự khởi đầu sáng suốt nếu bạn tìm đọc cuốn sách "Think and grow rich” của tác giả Napoleon Hill. Những quy luật trong cuốn sách đã trải qua mọi thử thách của thời gian và sự thông thái của tác giả sẽ là một trong những nền móng cơ bản nhất trong công cuộc đào tạo về tiền bạc.

Mỗi ngày tôi thường bỏ ra một chút thời gian để nghiên cứu về những chủ đề liên quan đến đồng tiền, nguyên nhân chính vì tôi cảm nhận rõ được những tác động của nó tới cuộc sống. Tôi thường xuyên bổ xung kiến thức, kinh nghiệm và cách nhận thức về đồng tiền, qua đó tôi sẽ có khả năng kiểm soát được chúng. Tôi muốn đưa ra những mệnh lệnh, thay vì để đồng tiền điều khiển và bắt tôi phải sống một cuộc sống như chúng muốn.

Tôi thật mãn nguyện với cách sống mà đồng tiền mang lại cho tôi. Tôi mãn nguyện với ngôi nhà đẹp, quần áo đắt tiền, xe hơi thể thao, nghỉ trọ tại những hotel nổi tiếng, đi máy bay với vé hạng nhất và những món ăn ngon. Tôi cũng không bao giờ muốn làm những gì mà cha mẹ tôi thường làm – sống một cuộc sống với một nỗi lo toan lớn nhất là làm sao kiếm đủ tiền để đảm bảo một mức sống bình thường. Những khó khăn tài chính kéo dài liên miên đã khiến họ có những ý nghĩ xấu về những kẻ sống trong sung túc. Tôi thú nhận rằng tôi rất ưa chuộng khía cạnh tốt của cuộc sống mà đồng tiền mang lại. Tôi cũng khẳng định ngay một điều rằng, tôi muốn có cách sống sung túc đó không từ những khoản vay ngân hàng, những nỗi lo, hay những giờ làm việc cật lực – tất cả những thứ đó là nguyên nhân của sự thiếu học vấn và sự phủ nhận rằng, đồng tiền có ma lực.

Khát khao lớn nhất của tôi luôn là làm sao không rơi vào hoàn cảnh của cha mẹ tôi. Họ đã sống và hưởng thụ những năm tháng tốt nhất của cuộc đời mình bằng cách làm việc cật lực vì đồng tiền, luôn sống dưới tiềm năng của chính mình, luôn tích kiệm, chắt chiu với tất cả, luôn mua sắm những thứ rẻ mạt, ngày một nợ nhiều hơn nhưng lại luôn khẳng định rằng: "Cha mẹ không quan tâm đến tiền bạc!”

Tôi thật sự khuyên bạn nên bắt đầu công cuộc đào tạo cá nhân về chủ đề liên quan đến đồng tiền. Học vấn cũng có những sức mạnh phi thường, nó luôn mang lại sự tự do cho con người. Học vấn đảm bảo rằng bạn sẽ sống một cuộc sống mà chính bản thân bạn muốn.

7 thg 8, 2010

TÔI ĐI TÌM MỘT NỮA CỦA RIÊNG TÔI




Tôi đi tìm một nửa của riêng tôi
Nhưng tìm mãi đến bây giờ chẳng thấy
Nửa của tôi ơi, anh là ai vậy
Sao để tôi tìm tìm mãi tên anh?

Chiều dần buông thành phố vào đêm

Ngọn cỏ hàng cây từng đôi ríu rít
Họ may mắn hơn tôi hay họ không cần biết
Nữa của mình hay nữa của ai kia?


Tôi đi tìm một nửa của riêng tôi

Và có thể suốt đời không tìm thấy
Không có anh tôi đành sống vậy
Không lấy nửa của ai làm nửa của riêng mình


Cái na ná tình yêu thì có trăm ngàn

Nhưng đích thực tình yêu chỉ có một
Nên đôi lúc tưởng như mình đã gặp
Nửa của mình nào phải của mình đâu



Không phải của mình..chẳng phải nữa của nhau

Thì thượng đế ơi đừng bắt tôi lầm tưởng
Bởi tôi biết khổ đau hay sung sướng
Là đúng sai khi tìm nửa của mình


Tôi tìm anh,tôi đã đi tìm

Và vẫn biết trên đời này đâu đó
Anh cũng tìm... tìm tôi như vậy
Chỉ có điều mình chưa nhận ra nhau...